KẾ TRỊ CON NÓI ” BẬY “

KẾ TRỊ CON NÓI ” BẬY “
Các bậc cha mẹ lần đầu nghe con nói bậy thường có tâm lý giật mình, choáng, sốc… sau đó vội vàng căn vặn xem con bắt chước ai, nói bậy bao lâu rồi, trong những hoàn cảnh nào?
Tiếp theo, phân tích cho con hiểu tác hại của việc nói bậy đối với bản thân và những người xung quanh. Cuối cùng, cấm con nói bậy và đưa ra hình phạt nếu con còn tiếp tục như vậy.
Tất cả những việc làm đó đều hết sức đúng đắn, cần thiết, chứng tỏ sự quan tâm, nỗ lực nhất định của cha mẹ để giáo dục con được tốt hơn.
Tuy nhiên, với đặc điểm nhanh quên và không thích nghe thuyết giảng nhiều của trẻ nhỏ thì cùng với cách làm ấy, theo mình nên có một ví dụ minh họa mang tính trực quan, sinh động, càng gần gũi, dễ hiểu càng tốt.
Ví dụ, đặt ra cho con một tình huống mở như sau:
– Để trước mặt con hai cốc nước: Một cốc sạch và một cốc bẩn, hỏi xem con chọn cốc nào để uống, đương nhiên trẻ sẽ chọn cốc nước sạch.
– Để trước mặt con hai bát cơm: Một bát cơm gạo trắng và một bát cơm dính ít đất, hỏi xem con chọn bát nào để ăn, đương nhiên trẻ sẽ chọn bát cơm gạo trắng.
Tương tự như vậy, hãy hình dung ngôn ngữ được đựng trong hai chiếc hộp, một hộp là những từ ngữ tục tĩu, bẩn thỉu, một hộp chứa những từ ngữ đẹp đẽ, trong sáng, vậy con sẽ muốn mang theo hộp nào bên mình? Đến đây chắc là trẻ đã hiểu ra ý nghĩa đằng sau những câu hỏi của bố mẹ.

Thêm vào đó, tôi có thể hỏi con cốc nước bẩn, bát cơm dính đất kia nếu không ăn được thì con sẽ làm gì? Chắc chắn trẻ sẽ trả lời là đổ đi hoặc vứt vào thùng rác. Từ đó cha mẹ liên hệ đến chiếc hộp đựng ngôn ngữ tục tĩu, để trẻ tìm cách xử trí với nó.
Cuối cùng cha mẹ kết luận cho con hiểu trong sinh hoạt hàng ngày những thứ bỏ đi bị coi là rác thải thì trong ngôn ngữ nói tục chửi bậy cũng chính là một loại “rác”, cần sớm loại bỏ.

Youscan

 

>