3 nguyên tắc bố mẹ phải nhớ để cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng trong yêu thương

3 nguyên tắc bố mẹ phải nhớ để cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng trong yêu thương

Con ngang bướng, dùng roi vọt hay nhắc nhở cũng không có tác dụng. Bố mẹ đã áp dụng đúng phương pháp hay chưa?

Sinh ra một đứa con đã khó, nhưng nuôi dạy sao để trẻ phát triển trở thành một em bé tự lập, tự tin và hạnh phúc mới là thử thách thực sự. Nhiều bố mẹ phàn nàn thường cảm thấy đau đầu mỗi khi đối diện với sự bướng bỉnh của con.

Làm sao có thể tránh được cuộc chiến với một đứa trẻ luôn sẵn sàng chiến thắng bằng mọi giá trong mọi cuộc tranh luận? Làm thế nào để cùng con bước qua các giai đoạn khủng hoảng trong hoà bình, yêu thương? Thực ra là bố mẹ chỉ cần để ý một chút, chậm lại một chút, lắng nghe nhiều hơn là có thể cùng con giải quyết vấn đề mà tuyệt đối không phải là quát nạt, đánh mắng.

Nguyên tắc 1: Để con được khóc

Khóc là biểu hiện dễ thấy nhất của trẻ khi không bằng lòng với một việc gì đó. Trẻ có thể khóc rất nhanh, rất dễ dỗ, nhanh quên nhưng khi đang khó chịu, để nín ngay lập tức là điều gần như không thể.

Theo các nhà tâm lý học khi nghe tiếng khóc của một đứa trẻ, tim chúng ta sẽ đập nhanh, não sẽ thúc ép phải giải quyết vấn đề ngay. Và chúng ta thường cố gắng làm trẻ nín khóc bằng cách đáp ứng ngay yêu cầu của trẻ hoặc cứng rắn hơn là dùng những câu mệnh lệnh như “Nín ngay!” hay “Có im ngay đi không?” để ép trẻ nín khóc.

Nhưng khi bị ép nín khóc, trẻ sẽ ấm ức. Chúng không học được cách làm thế nào để kiểm soát cảm xúc của mình một cách tích cực. Đồng thời những cảm xúc tiêu cực bị đè nén lâu dài sẽ khiến trẻ dễ có những hành động tiêu cực như đập phá, la hét…để thể hiện sự giận dữ của mình.

Bởi vậy thay vì quát mắng, hãy cho trẻ được khóc, được xả cảm xúc khó chịu của mình. Hãy cố gắng bình tĩnh và giao tiếp với con bằng một cái ôm thật chặt. Hãy cho con thấy rằng bạn đồng cảm với cảm xúc bất an của con. Điều đó sẽ giúp trẻ an tâm và tin tưởng dù lúc đó vẫn đang khóc.

Điều bạn tuyệt đối tránh là khi tức giận đừng bỏ đi mà không nói một lời nào với trẻ. Việc bị bỏ mặc gào khóc một mình là một trải nghiệm quá sức đối với trẻ. Điều đó sẽ dẫn tới những hậu quả về tâm lý rất lớn như chứng trầm cảm về sau này.

Nguyên tắc 2: Đối thoại với trẻ như hai người bạn

Bố mẹ thường cho rằng mình có nhiều kinh nghiệm hơn trẻ nên thường cho phép mình áp đặt quyền lực và mệnh lệnh lên trẻ. Một cuộc nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra rằng: “Quát, mắng không có tác dụng gì với trẻ, âm lượng càng lớn thì sẽ càng dễ làm trẻ mất tập trung.

Ngược lại, nếu bạn góp ý thẳng thắn với trẻ như kiểu góp ý chân thành giữa những người bạn thì trẻ sẽ chăm chú lắng nghe hơn, khiến cho việc giáo dục con trở nên có hiệu quả hơn”.

Khi con tức giận, hãy luôn đặt mình vào vị trí của con và tạo ra những cuộc đối thoại mở. Hãy lắng nghe con nói nguyên nhân con khó chịu, hãy gọi tên những vấn đề của trẻ. Đề nghị trẻ giải thích suy nghĩ, quan điểm của trẻ vì sao lại mong muốn như thế.

Khi trẻ nói về quan điểm của mình có thể chính trẻ cũng nhận ra là mình đang yêu cầu vô lý ra sao. Ngược lại, bạn cũng hiểu được cái lý trong suy luận của trẻ. Từ đó hai bên có thể thương lượng thay vì áp đặt quyền lực.

Nguyên tắc 3: Cùng trẻ tìm ra phương án giải quyết chứ đừng chỉ nói “Không”

Thay vì nói Không với đòi hỏi của trẻ, điều đầu tiên bố mẹ nên làm là hỏi con về điều con muốn là gì và muốn giải quyết như thế nào. Đừng vội phủ định bất cứ điều gì, hãy để con được nói ra những mong muốn của mình.

Bố mẹ cũng có thể hỏi ngược lại bé để bé đặt mình vào hoàn cảnh bé muốn để xem cách xử lý của bé ra sao. Thông thường câu hỏi kiểu này sẽ khiến bé phải suy nghĩ và dần nhận ra vấn đề: “Con thử nghĩ xem nếu con uống nước lạnh, cổ họng bị đau sưng lên thì con có khó chịu không? Nếu có bạn đến chơi với con nhưng lại đòi lấy chiếc xe đạp của con về nhà mà không được sự đồng ý của con thì con sẽ thấy thế nào?”

Thường khi đặt vào tình huống thực tế, trẻ sẽ dễ nhận ra hậu quả của các hành vi của mình, đồng cảm và dễ chấp nhận cách giải quyết mà bạn đưa ra hơn. Kể cả trong trường hợp bé chưa thể nhận ra điều đó, hãy giữ bình tĩnh và đưa ra các phương án giải quyết có thể chấp nhận được.

Nếu điều đó không ảnh hưởng tới người khác hoặc không gây thương tích, chúng ta có thể xuống nước để con làm. Đặc biệt cần hạn chế những câu như: “Con không được…”, “Con phải…”. Những lời nói như vậy trẻ tạo ra tâm lý phản kháng, đối phó.

Trong lúc con không nghe lời, điều quan trong nhất bố mẹ cần nhớ là bình tĩnh. Thay vì làm rối thêm tình hình và chuốc bực mình vào người, bố mẹ hãy luôn đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu và yêu thương trẻ. Đừng cố gắng kiểm soát con, kiểm soát vấn đề hay tâm lý phải nói được con thì mới là mẹ tốt. Khi hiểu được lý do đằng sau những cuộc “khủng hoảng” có lẽ chúng ta nên bao dung hơn với các bạn nhỏ phải không? Bởi vì ai cũng từng là trẻ con!

Đăng ký sinh trắc vân tay cho con TẠI ĐÂY

>