BỐ MẸ NÊN LÀM GÌ KHI CON ĐÒI HỎI, ĐUA ĐÒI

Trẻ nhỏ thường thích nhiều thứ hoặc thích làm những việc theo ý muốn của chúng. Tuy nhiên, dù có điều kiện đến mấy thì cha mẹ cũng không nên đáp ứng hết tất cả những yêu cầu của trẻ hoặc để cho chúng muốn làm gì tùy ý. Vậy cha mẹ phải từ chối những đòi hỏi của trẻ như thế nào để không làm tổn thương trẻ?

Đưa ra các lựa chọn

Trẻ nhỏ thường muốn tự mình làm các việc để chứng tỏ bản thân và chứng tỏ khả năng độc lập của mình. Do vậy, khi trẻ yêu cầu được làm một việc gì đó, thay vì từ chối theo kiểu “mệnh lệnh” như “con không được phép” hay “mẹ cấm con”…, bạn nên tạo cho trẻ có một lựa chọn khác. Chẳng hạn thay vì cấm tiệt trẻ không được ăn kẹo trước bữa ăn, bạn nên cho bé chọn nho hoặc táo.

Làm bé lãng quên

Trẻ thường cố gắng đạt được những điều chúng mong muốn. Càng bị ngăn cấm thì chúng càng quyết liệt và ương bướng. Nhưng trẻ lại có “điểm yếu” là khả năng tập trung kém và ít bền vững. Do vậy, trước những yêu cầu của trẻ, cha mẹ cần đánh lạc hướng để chúng mau chóng quên đi các mục đích của mình. Chẳng hạn, bạn có thể bày một trò chơi mới hoặc hướng dẫn cho bé làm một việc lý thú khác.

Không nên nói dối trẻ

Không đáp ứng những yêu cầu của trẻ không có nghĩa là cha mẹ tự cho phép mình nói dối con. Ví dụ, khi con muốn ăn kẹo, cha mẹ không muốn cho chúng ăn và nói với con rằng “hết rồi” mà trẻ vẫn có thể tìm được kẹo trong túi của mẹ hoặc ở đâu đó. Điều này sẽ khiến trẻ nhận ra rằng, cha mẹ nói dối và từ đó lời nói của cha mẹ không còn sức thuyết phục và trẻ không còn tin vào cha mẹ nữa. Thậm chí, có thể còn khiến trẻ như bị chọc tức và cố sức đòi cho bằng được.

Hãy cho trẻ một câu trả lời thỏa đáng

Khi trẻ đòi mua đồ chơi, cha mẹ không nên trả lời một cách nhanh nhất là “không có tiền” mà hãy đưa ra một câu trả lời thỏa đáng là “hãy hỏi ý kiến bố trước đã”. Hoặc, cũng có thể nói cho trẻ biết cha mẹ phải kiếm tiền rất vất vả nên không thể phung phí nhiều tiền vào việc mua đồ chơi. Câu trả lời như vậy sẽ khiến trẻ dễ chấp nhận hơn, đồng thời cũng là một cách giáo dục tốt đối với trẻ.

Tạo môi trường an toàn cho việc học hỏi của con

Bất cứ khi nào có thể, bạn hãy tránh các tình huống phải nói “không” với trẻ. Khi bé thích mạo hiểm hoặc tò mò… bạn có thể cho bé một môi trường an toàn để khuyến khích sự khám phá và để cho bé có cơ hội rèn luyện thân thể. Chẳng hạn, thay vì khiển trách bé về việc bé chơi với những đồ vật nguy hiểm như dao, kéo… bạn hãy giải thích sự nguy hiểm, cũng như công dụng của những đồ vật đó nhưng hãy kiểm soát để con bạn được an toàn trong quá trình tìm hiểu.

Bỏ qua những lỗi nhỏ của trẻ

Trẻ thường mắc sai lầm, nhưng đó cũng là cơ hội để rèn luyện kỷ luật cho trẻ. Đừng nên tập trung vào những vi phạm không quan trọng của trẻ. Nếu trẻ làm bắn tung tóe vũng nước trên đường về nhà thì tại sao cha mẹ không để trẻ làm điều đó? Bạn hãy nuôi dưỡng khả năng phiêu lưu mạo hiểm, sự vui thích và khả năng thám hiểm của con bạn bất cứ khi nào có thể. Khi trẻ an toàn thì bạn không cần phải nói “không” với bé.

Nói “không” khi nào thật sự bạn muốn

Bạn đừng nói dông dài khi từ chối các yêu cầu của bé. Hãy nói kiên quyết nhưng bình tĩnh: “không, không được” hoặc “không, con yêu”… Như vậy, con mới dễ nhận được những thông điệp của bạn. Khi bé làm theo lời bạn, bạn hãy cười, ôm bé để khuyến khích.

>