Cách dạy con ngoan từ bé, tránh việc con hư, ngỗ ngược như “ông trời con”

Cách dạy con ngoan từ bé, tránh việc con hư, ngỗ ngược như “ông trời con”

Biểu hiện ngang bướng như “vua con” trong nhà của bé sẽ càng nghiêm trọng nếu không có cách rèn giũa. Liệu có cách dạy con ngoan từ bé, tránh việc con cứng đầu?

“Cha mẹ sinh con trời sinh tính” chỉ là câu nói ngụy biện của những cha mẹ bế tắc khi có con ngỗ ngược. Biết cách dạy con ngoan từ bé, không cần đòn roi hay la hét, con sẽ biết cách kiểm soát bản thân.

Tâm sự trên một cộng đồng các bà mẹ, chị L.T.N (Hà Nam) than thở rằng chị đã bó tay với cậu con trai 5 tuổi. Cậu sẵn sàng nằm vạ và khóc thét ngay giữa trung tâm mua sắm vì mẹ không chịu mua đồ chơi. Con ương bướng nhả sạch thức ăn trong miệng chỉ vì món ăn không ngon như bé muốn. Làm thế nào có thể dạy con?

Khi con làm “ông trời con” ở nhà

Hiện tượng “ông trời con” là gì?

Nhà phân tâm học người Pháp Christiane Olivier nói về hiện tượng “ông trời con”: Trẻ tự cho mình có quyền hành trong nhà. Điều gì trẻ muốn phải có hoặc phải làm cho bằng được. Bởi cha mẹ không biết áp đặt luật lệ cho mình.

Tránh bé làm "ông trời con" nhờ cách dạy con ngoan từ bé

Hiện tượng “ông trời con” thường gặp ở những gia đình ít con cái, nhất là khi trẻ là con một. Bố mẹ cứ nghĩ con còn bé, chưa áp dụng kỷ luật vội.

Tình trạng này cũng có thể bắt gặp tại những gia đình có cha hoặc mẹ đơn thân, cha mẹ ly dị. Họ tìm mọi cách bù đắp cho con bằng vật chất và dẫn đến cảm giác con muốn làm gì thì làm. Cách nuôi dạy trẻ này dẫn đến nhiều hệ lụy.

Các biểu hiện thường thấy của trẻ ngỗ ngược

Trẻ nhỏ thường có một trong các biểu hiện dưới đây, nhưng chỉ là tạm thời. “Ông trời con” lại có xu hướng lặp lại những hành vi này. Dần dà, chúng trở thành một phần lối ứng xử, gây lệch lạc nhân cách trẻ vì bố mẹ không biết cách dạy con ngoan từ bé.

  • Trẻ cho mình tự chủ, mình là cái rốn vũ trụ, có quyền hành
  • Trẻ muốn gì phải được chìu ngay
  • Không thích bị áp đặt, khó chấp nhận mệnh lệnh hoặc kỷ luật từ bố mẹ, người lớn
  • Rất dễ thất vọng. Trẻ sẽ giận dữ, khóc lóc, thậm chí làm mình đau
  • Rất bực bội khi cha mẹ tỏ vẻ quan tâm người khác
  • Ích kỷ và không quan tâm đến người xung quanh
  • Thiếu tôn trọng người lớn, khó thỏa hiệp
  • Có xu hướng nói rất nhiều để chứng tỏ mình có lý, mình thông minh
  • Tự cho mình ngang hàng với người lớn
  • Tự cho phép mình hành xử bạo lực, hung hăng

Cách dạy con ngoan từ bé

Cần tránh tạo điều kiện cho con hình thành tính xấu. Vai trò của bố mẹ là làm cho con hạnh phúc nhưng đảm bảo thiết lập khuôn khổ kỷ luật chính là cách nuôi dạy con đúng cách.

Bố mẹ không phải thể hiện quyền lực bề trên và áp đặt con. Thế nhưng, vẫn phải thể hiện cho con hiểu cha mẹ không hung dữ nhưng phải tôn trọng cha mẹ và người lớn.

Từ 2-5 tuổi, trẻ phải được học cách tôn trọng và tuân thủ quyền hành của bố mẹ, làm quen với kỷ luật. Bố mẹ thường “bỏ quên” các biểu hiện lệch lạc của con trong độ tuổi này, vì “Bé dễ thương quá, phạt không nỡ”. Đó là sai lầm, bạn ạ!

Khám phá 50 câu châm ngôn hữu hiệu trong cách dạy con của người Do Thái

Bạn nên ý thức rằng con chỉ là “ông trời con” ở nhà, nhưng đến tuổi đi học, việc khó thương lượng và hợp tác với người khác sẽ làm con khổ sở trong môi trường mới.

Bố mẹ tốt phải biết cách giáo dục trẻ trong môi trường có tổ chức. Bạn cần đặt những giới hạn, quy tắc rõ ràng cho bé, và yêu cầu con thực thi nghiêm túc. Quy tức này giúp trẻ trưởng thành có trách nhiệm hơn.

Chẳng hạn, buộc con phải ngồi vào bàn ăn cơm và tắt tivi. Ban đầu, con sẽ hậm hực, thậm chí quấy phá. Nhưng khi vượt qua được và chấp nhận quy tắc, trẻ sẽ trưởng thành trong suy nghĩ. Tính cách và thói quen tốt cũng nhờ vậy mà hình thành.

Thẳng thừng nói KHÔNG với những yêu cầu trái khoáy của trẻ. Ban đầu, có thể bạn sẽ phải đối phó với những câu không dễ nghe: “Mẹ đáng ghét”, “Con không thích bố nữa”, “Mẹ không đáng là mẹ của con”… Phớt lờ đi bạn! Cứ đinh ninh: “Nhưng bố/mẹ yêu con, và mẹ đang làm điều tốt nhất cho con”.

6 “bí kiếp” thành công nên nhớ

  1. Trẻ con luôn được cái quyền mà ta trao cho nó. Trao cho con sự tự chủ, không phải quyền làm vương làm tướng trong nhà.
  2. Nhận thức rằng quy tắc, giới hạn và thẩm quyền của bố mẹ cần thiết cho sự phát triển đúng hướng của con. Nghiêm khắc với con không có nghĩa là không yêu con.
  3. Thể hiện sự nhất quán và cương quyết, tránh nhượng bộ trẻ và tránh việc trẻ lập “liên minh” với ông bà, cô chú.
  4. Đừng sợ trẻ thất vọng và hết yêu thương bố mẹ.
  5. Áp dụng các hình phạt thích đáng trong thời gian ngắn. Hình phạt triển khai lập tức và nhất quán.
  6. Tích cực khuyến khích và cổ vũ khi trẻ có ý thức tiến bộ trong ứng xử.

“Cuộc chiến” dạy con cần sự đồng thuận của cả gia đình

Yếu tố quyết định chiến thắng giữa bạn và “ông trời con” chính là sự kiên quyết. Đây là cuộc chiến của “cái đầu lạnh”, phe nào “lạnh” hơn sẽ thắng!

Nếu bé yêu của bạn là con một, là cháu đích tôn, bạn sẽ “một mình chống mafia”, vì ông bà sẽ bênh vực và ngấm ngầm làm theo ý bé.

Cách dạy con ngoan từ bé

Bố mẹ phải cương quyết trong cách đặt kỷ luật, quy tắc cho con, tránh việc bên đánh bên xoa sẽ làm bé càng bất trị hơn

Bạn cần thống nhất với bạn đời và gia đình, quyết định khi nào cần cứng rắn với bé, khi nào cần cho con cảm nhận sự yêu thương. Tối kỵ nhất là bố mẹ thì cương quyết đặt kỷ luật, ông bà lại “xuống nước” chìu chuộng bé. Con trẻ sẽ có xu hướng xa lánh bố mẹ, và ngã về nơi chúng được nuông chìu. Việc giáo dục trẻ sẽ thất bại!

>