TẠI SAO CON NHÚT NHÁT?

TẠI SAO CON NHÚT NHÁT?

Dạo gần đây, nhiều mẹ inbox hỏi mình rằng “con chị nhút nhát quá, cứ gặp người lạ là nó co rúm lại, không dám hỏi han, nói chuyện gì cả thì chị phải làm thế nào để nó tự tin hơn đây?”. Đây quả thật là một vấn đề rất nan giải đối với các bố mẹ và không biết phải xử lý sao cho con có thể tự tin lên, giao tiếp với mọi người. Muốn giải quyết một vấn đề đầu tiên phải đi tìm hiểu nguyên nhân. Vậy nên, mình xin chia sẻ những lý do khiến trẻ trở nên nhút nhát để bố mẹ có cách điều chỉnh trong việc nuôi dạy con.

Đầu tiên, xuất phát từ nguyên nhân tại sao trẻ nhút nhát?

Người ta cứ bảo “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” thế nhưng không phải bản chất con sinh ra đã có sự nhút nhát, tự ti. Mà tính cách đó được hình thành lên chủ yếu là do môi trường sống và những người mà trẻ tiếp xúc xung quanh.

Nói về môi trường, thì hiện nay là thời buổi công nghệ số. Điều kiện vật chất khá đầy đủ nên mình thấy các con được tiếp xúc với đồ điện tử như ipad, smartphone từ khá sớm. Nhiều trẻ còn bị lệ thuộc vào chúng vì từ bé đã hình thành thói quen muốn dỗ con ăn là bố mẹ dùng điện thoại để nhử xem hoạt hình hoặc chơi. Điều đấy khiến cho các con ít có cơ hội tiếp xúc với môi trường bên ngoài, mà chỉ quanh quẩn trong nhà xem ti vi, chơi điện thoại mà thôi. Thế nên, càng lớn thì con càng khó giao tiếp với người khác vì không được hình thành thói quen giao tiếp và làm quen từ bé.

Về bố mẹ, bố mẹ là người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự hình thành và phát triển tính cách của trẻ nhỏ. Những trẻ có tính nhút nhát một phần cũng là do hồi còn bé hay bị bố mẹ quát mắng khi làm sai một cái gì đó khiến con có tâm lý sợ sệt. Do vậy, khi lớn lên con ít có tính chủ động hơn vì nghĩ nếu làm sai sẽ bị bố mẹ trách mắng nên thà không làm còn hơn.

Thứ hai là nhiều bố mẹ có tính cách hơi khép kín, ít khi bộc lộ cảm xúc nên trong việc nuôi dạy con rất kiệm nói lời yêu thương và động viên khen ngợi. Thay vào đó bố mẹ hay nói về điểm yếu của con để trẻ phải nhận ra khuyết điểm của mình mà tự mình cố gắng. Thế nhưng vô hình chung điều đó khiến trẻ có suy nghĩ là mình kém quá, có cố thế nào cũng không đạt được sự kì vọng của bố mẹ nên rất dễ bị chán nản, kém hoạt bát, ít giao tiếp với người xung quanh vì sợ bị đánh giá. Bố mẹ đừng cho rằng nếu nói yêu thương, khen con quá nhiều thì trẻ sẽ trở nên tự mãn, kiêu căng và ỷ lại vì nghĩ mình giỏi rồi. Cái gì đủ mới là tốt. Thế nên khi con đạt kết quả tốt hãy khen ngợi con như “con giỏi lắm, cố lên nhé”, “đúng là con trai mẹ, tốt lắm”. Những lời khen đó sẽ khiến trẻ cảm thấy mình được công nhận mà cố gắng hơn.

Nguyên nhân nữa là do sự dọa nạt. Bố mẹ có nhớ là hồi bé để con phải ăn bố mẹ hay có những câu như “con không ăn là ông ba bị bắt đi đấy” hay “ăn đi không chú công an bắt đi bây giờ”. Hoặc để con ít đòi đi chơi bố mẹ cũng hay dọa là ngoài kia nhiều người xấu lắm nên không được ra đâu. Thành ra trong tâm thức của trẻ định hình là mọi người ngoài kia đáng sợ lắm, không tiếp xúc được đâu. Thế nên, khi con lớn lên, tiếp xúc với môi trường mới con hay bị xấu hổ, bẽn lẽn, không dám nhìn mọi người và luôn tỏ ra sợ sệt.

Bố mẹ thấy không, không phải cái gì cũng tự nhiên mà xảy ra. Tất cả đều có nguyên nhân của nó. Đôi khi những hành động, lời nói vô tình của chúng ta lại có sự ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tâm thức của trẻ. Hãy thay đổi để bố mẹ và con có thể hòa hợp hơn. Mình biết bố mẹ rất bận, nhưng hãy dành thời gian chơi và chia sẻ với con. Nếu có dịp hãy đưa con ra ngoài chơi hoặc cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa. Để con có thể mạnh dạn hơn, hòa đồng hơn với các bạn. Đừng biến con thành con búp bê trong nhà quanh quẩn với 4 bức tường và chiếc tivi. Đặc biệt, chê bai, khiển trách, dọa nạt chưa bao giờ là tốt để áp dụng với trẻ nhỏ cả. Vậy nên, bố mẹ hãy khen ngợi con, nói lời yêu thương con đúng lúc để trẻ cảm thấy mình tự tin và có động lực hơn.

Ba mẹ cần tư vấn thêm thì liên hệ trực tiếp với sinh trắc vân tay Youscan nhé: http://phantichvantay.vn/

>